"Trong suốt 65 năm qua, ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam đã xây dựng được khối lượng thông tin, dữ liệu về đo đạc bản đồ đầy đủ, chính xác, kịp thời. Đây chính là nguồn dữ liệu quan trọng phục vụ công tác điều tra cơ bản, quản lý lãnh thổ, phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng - an ninh của đất nước và nâng cao dân trí của xã hội."
Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Thị Phương Hoa tại buổi gặp mặt nhân dịp kỷ niệm ngày truyền thống ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam và 65 năm thành lập Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam diễn ra sáng ngày 14/12, tại Hà Nội.
Tham dự buổi lễ có GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, Chủ tịch Hội Trắc địa, Bản đồ, Viễn thám Việt Nam; các đồng chí nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT: Nguyễn Văn Đức, Nguyễn Mạnh Hiển; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo của ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam qua các thời kỳ; đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành và toàn thể công chức, viên chức, người lao động của Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam.
Tại buổi lễ, ôn lại chặng đường 65 năm xây dựng và trưởng thành của ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam, ông Hoàng Ngọc Lâm, Cục trưởng Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam cho biết, cùng với chiều dài phát triển của lịch sử đất nước, công tác đo đạc và bản đồ Việt Nam với truyền thống lâu đời đã để lại nhiều dấu ấn và thành quả quan trọng. Bản đồ Việt Nam đã được sử dụng như một công cụ để quản lý đất nước từ năm1490 thời Hồng Đức nhà Lê. "Đại Nam Nhất thống Toàn đồ" do vua Minh Mạng nhà Nguyễn công bố năm 1834 là tấm bản đồ đầu tiên thể hiện tương đối chi tiết, đầy đủ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nước ta tại thời điểm đó.
Đặc biệt, ngày 14/12/1959, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 444-TTg thành lập Cục Đo đạc và Bản đồ trực thuộc Phủ Thủ tướng, chính thức hình thành cơ quan đo đạc và bản đồ của nhà nước cách mạng Việt Nam. Từ đó đến nay, Cục Đo đạc và Bản đồ đã được tổ chức lại nhiều lần nhưng luôn được giao nhiệm vụ và giữ vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về đo đạc và bản đồ, tổ chức triển khai công tác đo đạc bản đồ cơ bản trên phạm vi cả nước đáp ứng mọi yêu cầu của công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.
65 năm - một hành trình ghi dấu ấn
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Thị Phương Hoa ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những thành tựu to lớn mà các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam nói chung và Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam nói riêng đã đạt được trong chặng đường 65 năm qua.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa cho rằng, thời gian qua, Cục đã tham mưu giúp Bộ để trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền về cơ bản đã đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật về đo đạc và bản đồ, đây là cơ sở pháp lý quan trọng để ngành đo đạc và bản đồ ngày càng phát triển.
Cục cũng đã xây dựng được khối lượng dữ liệu đầy đủ, chính xác của Ngành đo đạc và bản đồ Việt Nam hiện nay. Đây chính là nguồn dữ liệu quan trọng cho việc ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm bớt thiên tai, nghèo đói; phục vụ công tác lập quy hoạch; công tác quản lý điều hành của các bộ, ngành, địa phương trong cả nước, góp phần không nhỏ vào việc phát triển chung của đất nước.
Đặc biệt là, các hoạt động đo đạc và bản đồ biên giới, địa giới đã phục vụ đắc lực cho việc phân định ranh giới quốc gia trên đất liền, trên biển với các nước láng giềng, góp phần giữ vững chủ quyền thiêng liêng của đất nước và ổn định chính trị trong khu vực, cũng như giúp phân định địa giới hành chính các các cấp giữa các địa phương trong cả nước.
“Những thành quả đã đạt được trong chặng đường qua là nhờ tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, sự nỗ lực, sáng tạo không ngừng nghỉ của tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam qua các thời kỳ - những người làm công tác đo đạc và bản đồ thầm lặng có mặt khắp mọi miền đất nước, từ núi cao, rừng sâu, biên giới đến hải đảo xa xôi, kể cả nhiều nơi chưa từng có dấu chân người; miệt mài lao động, vượt qua mọi khó khăn gian khổ, hy sinh để đảm bảo cung cấp, đáp ứng mọi yêu cầu về thông tin dữ liệu đo đạc và bản đồ cho công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước.”- Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa khẳng định.
Hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về đo đạc và bản đồ phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội
Để phát huy những thành tích đã đạt được, đồng thời tiếp tục phấn đấu giữ vững và nâng cao hơn nữa vai trò của Cục trong giai đoạn phát triển, góp phần triển khai các nhiệm vụ của Bộ trong công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa nhấn mạnh, thời gian tới, Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam cần tập trung triển khai thực hiện đồng bộ một số nhiệm vụ như: Bám sát các quan điểm, mục tiêu của Chiến lược phát triển ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam và xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ đã đề ra tại Chiến lược.
Bên cạnh đó, Cục cần thiết lập hệ quy chiếu và hệ tọa độ không gian quốc gia thống nhất trên đất liền và trên biển; xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia phủ trùm lãnh thổ Việt Nam, bản đồ địa hình quốc gia phủ trùm phần đất liền, đảo, quần đảo, bản đồ địa hình đáy biển trên vùng biển Việt Nam phải đảm bảo đầy đủ, chính xác, kịp thời đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước của các bộ, ngành, địa phương, phục vụ phát triển kinh tế -xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh.
Đặc biệt, Cục cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về đo đạc và bản đồ theo hướng kiến tạo, phục vụ, đồng bộ, chính xác, thuận lợi, phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của Việt Nam và trình độ khoa học công tiên tiến của thế giới để tiệm cận cho việc sử dụng chung dữ liệu đo đạc và bản đồ với các tiêu chuẩn quốc tế.
Đồng thời, nâng cao hơn nữa bản lĩnh chính trị, chuyên môn, ngoại ngữ cho đội ngũ cán bộ làm công tác biên giới và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ; phải giữ vững lập trường trong đấu tranh, đàm phán các vấn đề về biên giới, chủ quyền đất nước trên cơ sở hiểu biết sâu sắc về lịch sử, chuyên môn và đường lối, quan điểm của Đảng.
Riêng đối với công tác biên giới và địa giới, Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa đề nghị Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và địa phương có liên quan để đảm bảo công tác kỹ thuật phục vụ công tác đàm phán 16% đường biên giới đất liền Việt Nam – Campuchia chưa hoàn thành phân giới cắm mốc; chuẩn bị các điều kiện nhân lực, kỹ thuật phục vụ triển khai công tác phân định ranh giới trên biển với các quốc gia trong khu vực, góp phần ổn định tình hình chính trị và tăng cường hợp tác phát triển trong khu vực.
“Trong thời gian tới, các nhiệm vụ đặt ra cho ngành TN&MT nói chung và lĩnh vực đo đạc và bản đồ nói riêng còn rất nặng nề, song tôi tin tưởng rằng, với sự đồng lòng, đoàn kết, trí tuệ, tinh thần đổi mới, sáng tạo và quyết tâm cao của các đồng chí lãnh đạo, cùng toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam sẽ hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, đóng góp ngày càng nhiều hơn nữa cho sự phát triển của ngành cũng như kinh tế - xã hội của đất nước“ – Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa nhấn mạnh.
Phát biểu tại buổi lễ, trao đổi về định hướng phát triển của ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam giai đoạn tới, GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, Chủ tịch Hội Trắc địa, Bản đồ, Viễn thám Việt Nam cho rằng, thời gian tới, yêu cầu đối với công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu đặt ra ngày càng nặng nề, trong đó, vị trí, vai trò của ngành đo đạc, bản đồ ngày càng trở nên quan trọng, là công cụ, nền tảng kỹ thuật cơ bản phục vụ quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn; khắc phục sự cố môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới, GS.TSKH Đặng Hùng Võ cũng đã gợi mở nhiều định hướng cho ngành, trong đó nhấn mạnh đến việc tiếp tục phát triển hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia làm nền tảng quan trọng và cơ bản, cung cấp dịch vụ dữ liệu không gian địa lý cho các ngành, lĩnh vực đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, phục vụ chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số và đô thị thông minh.
Cũng tại buổi lễ, thừa uỷ quyền của Bộ trưởng Bộ TN&MT, Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa đã trao tặng Cờ thi đua của Bộ TN&MT cho 2 tập thể thuộc Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam vì đã có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong phong trào thi đua năm 2023; trao tặng Danh hiệu Chiến sĩ thi đua ngành tài nguyên và môi trường cho ông Hoàng Ngọc Lâm, Cục trưởng Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam và bà Bùi Thị Xuân Hồng, Phó trưởng phòng Công nghệ đo đạc, bản đồ và thông tin địa lý vì đã có thành tích tiêu biểu xuất sắc giai đoạn 2021-2023.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ TN&MT cho 7 tập thể và 14 cá nhân của Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam đã có thành tích xuất sắc năm 2023 và trong phong trào thi đua kỷ niệm ngày truyền thống ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam và 65 năm thành lập Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam.