Tham dự Hội nghị có lãnh đạo các Vụ chức năng của Bộ, Văn phòng Bộ, lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT, cùng toàn thể lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động của Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam.
Báo cáo tổng kết tại Hội nghị, ông Dương Văn Hải, Phó Cục trưởng Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam cho biết, năm 2024, Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, khẳng định vai trò then chốt trong việc cung cấp thông tin địa lý phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng và bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Nổi bật, trong năm qua, Cục đã hoàn thành xây dựng 6 Thông tư, vượt tiến độ một Thông tư so với kế hoạch đặt ra, đảm bảo khung pháp lý đầy đủ cho hoạt động quản lý, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ. Bên cạnh đó, Cục đã tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật tại các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình và Đắk Lắk, đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả trong quản lý, đồng thời hỗ trợ các địa phương trong việc giải quyết các vấn đề về địa giới hành chính.
Công tác dịch vụ công trực tuyến, tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính tiếp tục là điểm sáng trong năm 2024 khi Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam đã xử lý hơn 8.200 hồ sơ cung cấp thông tin dữ liệu về đo đạc và bản đồ; cấp phép hoạt động đo đạc và bản đồ cho 230 tổ chức, trong đó hơn 7.100 hồ sơ được giải quyết trực tuyến. Hoạt động này không chỉ tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân và doanh nghiệp mà còn góp phần đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác quản lý về đo đạc bản đồ.
Bên cạnh việc hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, Cục cũng tập trung nguồn lực triển khai các đề án, dự án, nhiệm vụ chuyên môn được Chính phủ giao như: Dự án Hoàn thiện, hiện đại hóa hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính và xây dựng cơ sở dữ liệu về địa giới hành chính; Dự án Bổ sung, cập nhật cơ sở dữ liệu nền địa lý các tỷ lệ khu vực các tỉnh miền Bắc và Bắc Trung Bộ (từ Thừa Thiên Huế trở ra); Dự án “Đo vẽ bản đồ địa hình đáy biển tỷ lệ 1:50.000 khu vực còn lại thuộc Vịnh Bắc Bộ phục vụ nhiệm vụ quản lý biển của các Bộ, ngành, địa phương liên quan”…
Cùng với đó, Cục đã tích cực chủ động phối hợp với các bộ, ngành và địa phương có liên quan tổ chức triển khai thực hiện các văn kiện pháp lý biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam - Lào và Việt Nam - Campuchia theo Nghị định thư phân giới, cắm mốc và Hiệp định về quy chế quản lý biên giới; tham gia Nhóm Chuyên gia liên hợp đo đạc khảo sát song phương các khu vực hai bên còn có nhận thức khác nhau về hướng đi của đường biên giới trên thực địa; phối hợp với Bộ Ngoại giao xây dựng Đề án giải quyết đối với các khu vực chưa thống nhất rà soát chuyển vẽ đường biên giới và các khu vực tồn đọng chưa hoàn thành phân giới, cắm mốc liên quan…
Trong năm 2024, Cục đã ký gia hạn Biên bản hợp tác với Viện Thông tin Không gian Địa lý Nhật Bản (GSI) và xúc tiến dự án ODA nhằm mở rộng mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia. Đồng thời, Cục đã tham gia tích cực vào các hội nghị khu vực và quốc tế, khẳng định vị thế của Việt Nam trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ.
Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam và đại diện lãnh đạo các đơn vị chức năng của Bộ đã thảo luận, đề xuất các nội dung nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc nhằm nâng cao hiệu quả hơn nữa công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực đo đạc và bản đồ trong thời gian tới.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong năm 2024 của Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam. Thứ trưởng đặc biệt biểu dương Cục đã hoàn thành rất tốt công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật cũng như tập trung triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, kế hoạch được giao... góp phần quan trọng trong công tác quản lý nhà nước về đo đạc và bản đồ.
Bước sang năm 2025, Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa đề nghị Cục tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật góp phần đảm bảo khung pháp lý đầy đủ cho hoạt động quản lý nhà nước về đo đạc bản đồ; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực thi chính sách, pháp luật về đo đạc và bản đồ.
Cùng với đó, Cục cần tập trung thực hiện các dự án bổ sung, cập nhật hệ thống cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia và bản đồ địa hình quốc gia ở các tỷ lệ hiện đại đồng bộ, thống nhất trong cả nước trên đất liền, vùng biển và hải đảo Việt Nam phục vụ xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước của các bộ, ngành, địa phương.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa, ngành đo đạc và bản đồ Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, phát triển hạ tầng và hỗ trợ công tác quy hoạch, xây dựng. Trong bối cảnh hiện nay, khi đất nước đang tiến hành cải cách hành chính, đẩy mạnh chuyển đổi số và hội nhập quốc tế, ngành Đo đạc và Bản đồ cần tiếp tục đổi mới, tăng cường ứng dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại, nâng cao chất lượng công tác chuyên môn, cung cấp thông tin địa lý kịp thời phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội đất nước, đảm bảo an ninh quốc phòng và bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Phát biểu tại Hội nghị, thay mặt lãnh đạo Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam, Cục trưởng Hoàng Ngọc Lâm cảm ơn sự quan tâm của Thứ trưởng và các đơn vị, đồng thời, tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng, góp ý của các đơn vị để hoàn thiện trong báo cáo. Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, phối hợp tốt hơn nữa từ các đơn vị để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo đảm chất lượng và tiến độ đề ra.
Theo Cục trưởng Hoàng Ngọc Lâm, năm 2025, Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam đặt ra một số nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung triển khai thực hiện như: Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện 4 văn bản pháp luật theo thẩm quyền Bộ trường ban hành; tổ chức triển khai công tác kiểm tra việc chấp hành pháp luật về đo đạc và bản đồ tại một số địa phương; tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm đã được Chính phủ và Bộ giao theo đúng kế hoạch; tiếp tục làm tốt công tác biên giới, địa giới và đẩy mạnh hợp tác quốc tế.
Thuỷ Nguyễn